honthoconsotlai

Trần Viết Dũng

Phú Phong - Tây Sơn - Bình Định

Dung02

TRẦN VIẾT DŨNG - HỒN THƠ CÒN SÓT LẠI

Ấy là tôi “chặt ba” câu thơ của Trần Viết Dũng (chứ không phải “chặt đôi câu thơ” như lời một bài hát đang thịnh hành) để tạm đặt tên cho bài viết này - câu “Chỉ có hồn thơ còn sót lại ít nhiều” - lấy phần giữa, bỏ hai đầu! Nói như thế không biết Trần Viết Dũng có buồn lòng không, vì đến hôm nay thì có thể nói về anh như vậy, có lẽ cũng không ngoa lắm! Bởi sau đúng 15 năm, kể từ khi tập thơ đầu tay ra đời, bạn bè và bạn đọc chờ đợi mãi, chẳng thấy tăm hơi thơ anh đâu nữa! (Kể cả thơ lẻ in báo và thơ gom in thành tập). Mang niềm tiếc rẽ ấy tôi lần giở đọc lại tập thơ “Lãng đãng giữa đời” của anh do nhà xuất bản Trẻ ấn hành từ năm 1993.

Phải nói ngay rằng đây là một tập thơ hay, ngay vào thời điểm nó xuất hiện (và kể cả hôm nay nữa). Tập thơ hiển lộ một nét thơ tài hoa phóng khoáng từ câu từ, cấu trúc đến ý tưởng và cảm xúc sáng tạo. Đặt biệt là những trăn trở, nhận thức và suy nghiệm của người thơ về… thơ, về nghiệp dĩ, về cuộc đời và thế sự. Riêng cảm nghĩ về thơ có lẽ người đọc bắt gặp xuất hiện ở đây với tầng suất và mật độ nhiều nhất, 27 lần nhắc đến chữ “Thơ” (hoặc có liên quan, hơi hướm về thơ) trên 32 bài trong toàn tập. Một con người đau đáu về thơ như thế lại im hơi lặng tiếng đến ngần ấy thời gian, kể ra cũng là điều khó hiểu! - Hay là anh còn mải “lãng đãng giữa đời”?!

Lần theo từng trang sách, thử nhặt ra những băn khoăn thao thức của Trần Viết Dũng về thơ. Trước hết, thơ đã nuôi lớn và làm đẹp tâm hồn anh: -“Những bài thơ của các nhà thơ/ Luôn ngọt ngào như dòng sữa mẹ/ Nuôi hồn tôi từ trên nôi trẻ/ Và dài ra cho đến bây giờ/… Những bài thơ của các bạn tôi/ Như chén rượu chiều đông nồng buốt/ Gần gũi quá lâu ngày thành thuộc/ Mỗi lần nghe tim trai trẻ bồi hồi/… Và những bài thơ của chính mình/ Hơn một lần trái tim em biết hát/ Tôi vậy đó khi yêu thường nhút nhát/ Nên phải lòng nhau, thơ nói hộ chuyện mình!” (Gạch nối thơ). Không những thơ nói hộ chuyện mình mà thơ còn giúp anh vững tin hơn trên bước đời chống chếnh: -“Sau mỗi chuyến làm ăn thất bại/ Tôi với đời cay cú chuyện áo cơm/ Thơ bỗng về hoà giải thiệt hơn/ Và vỗ về, tôi cám ơn biết mấy!/… Thì cũng đành vậy thôi em, bước/ Không ngẩng cao đầu cũng cố thẳng lưng/ Để cho thơ còn có lòng mừng/ Còn tin tưởng vào những điều trong mộng!” (Gạch nối thơ). Do “mối tình” tri âm tri kỷ với thơ đậm sâu đến thế nên anh đã ôm một niềm “cô trung” với nó mặc cho bao sự “phiền hà” kể từ trong gia đình đến thói thường ngoài xã hội: -“Túng quẫn, vợ mắng yêu đồ thi sĩ!/ Im lặng mỉm cười anh tiếp tục làm thơ/… Dù đời sống hành thơ kiệt sức/ Cũng nhoài người ôm giữ trái tim” (Khuyên mình), và: -“Có những người đứng trên diễn đàn/ Cứ mộng mơ những điều không thật/ Nên người đời đâu quý kẻ làm thơ!” (Tuỳ bút thơ).

Ngoài những phút giây thăng hoa, mê đắm, nhập đồng với thơ (đôi khi đến cực đoan) như thế, cũng có lúc Trần Viết Dũng bình tĩnh tỉnh ra và chiêm nghiệm rằng: -“Em bây giờ ở cuối đất cùng trời/ Làm sao biết xứ sở này - kẻ sĩ/ Chữ nghĩa mốc meo tài năng hoen rỉ/ Buồn cười thay mơ mộng viết thơ tình!” (Thơ gửi chân mây). Khổ hại thay, trong những “kẻ” ấy lại có chính mình: -“Ta lơ mơ trên bản thảo đời mình/ Bao lần viết bao lần dập xoá/ Nhiều lúc trông nét chữ mình rất lạ/ Trang giấy bây giờ em nhận ra ta không?” (Ngồi lại với bến sông). Từ chỗ “đốn ngộ” ấy đã dẫn dắt Trần Viết Dũng (từ chỗ “cực đoan”) đến những suy nghiệm có vẻ như yếm thế, tiêu cực (mặc dù có khi lại là rất thực): -“Nhiều khi thơ là phiến phù vân/ Lững lờ trôi giữa chiều hoa định mệnh/ Trong vô thường lặng lẽ bay đi…” (Tuỳ bút thơ), hoặc: -“Câu thơ của người làm thơ/ Như sương lãng đãng hai bờ thực hư” (Đôi khi). Sự dằn xé, phân tâm và phân thân ấy còn được Trần Viết Dũng thể hiện như là một thứ “hoài nghi chủ nghĩa” chát chua: -“Bài thơ một nửa lạc vần/ Nhuộm lên mái tóc nửa phần thôi xanh/ Nửa thiên thần ở trong anh/ Giấu che nửa quỷ sa-tan cùng người!” (Một nửa) và: -“Tục rất tục, thanh rất thanh/ Đời chìm nổi biến anh thành nhà thơ (!)/ Chắc là em cũng không ngờ/ Xưa kia là quỷ bây giờ là tiên!” (Lột xác).

Nỗi niềm thơ của Trần Viết Dũng còn vương vấn ở những câu thơ hoài niệm khác: -“Em áo trắng xưa kia hoa khôi lớp/ Ta học trò bỗng chốc hoá nhà thơ/ Bài thơ đầu em mang đi đâu mất/ Lỡ vần tôi từ dạo ấy đến giờ” (Hoài niệm hoa); -“Em như câu lục một dòng/ Anh như câu bát song song hai đầu” (Lục bát); -“Tháng Giêng ngâm khẽ ca dao/ Nắng tơ tóc mượt vườn đào giữa thôn” (Ca dao); -“Ngâm câu thơ cũ/ Nhớ người qua đây” (Dáng thánh); -“Nhiều đêm trăng ngồi lại với bến sông/ Nghe nước chảy êm ru dòng lục bát…” (Ngồi lại với bến sông)… Và, cuối cùng là một niềm tiếc nhớ mang mang trong hồn thơ Trần Viết Dũng, ghi dấu rõ nét nhất ở đoạn thơ mà người viết bài này đã mượn tạm một phần câu để đặt nhan đề: -“Ở sau lưng những ngày theo cơm áo/ Biết lấy gì gửi tới bé dấu yêu/ Chỉ có hồn thơ còn sót lại ít nhiều/… Bé cứ tự nhiên soi và hồn nhiên hát…” (Về lại vùng tuổi nhỏ).

Cái người thơ đau đáu về thơ ấy dĩ nhiên cũng là người biết đau đáu nỗi đời. Từ cổ chí kim từ đông sang tây, thử hỏi có nhà thơ chính trực nào mà lòng bình thản an nhiên trước lẽ đời không? Trần Viết Dũng cũng không ngoại lệ. Và đây chính là những đúc kết, những cảm nghiệm của anh: -“Sau chiến tranh ai ở lại xứ này/ Cũng phải mắc chiếc thoi đời vào đôi chân xuôi ngược” và: -“Đâu phải nụ cười nào cũng mang đầy sức sống/ Có nhiều khi hạnh phúc nghe buồn!” (Gạch nối thơ); -“Trước mọi người ta mãi lặng im/ Mặt hổ thẹn như người chứng dối/ Dắt ta qua ngõ tối tâm hồn” (Tuỳ bút thơ)… Là người sinh trưởng ở đất Tây Sơn – Bình Định, anh có bài thơ cảm khái về thầy giáo Hiến - người thầy dạy của ba anh em “Tây Sơn tam kiệt” cũng rất thấm thía sự đời: -“Hai trăm năm hoặc hai ngàn năm sau/ Mấy ai biết họ Thầy Trần, Đào, Trương, Nguyễn…/ Cứ phạm thượng gọi Thầy là giáo Hiến/ Rạng rỡ sư môn nên “áo vải cờ đào”/… Con về lại bến sông quê ngược dòng ký ức/ Bước lảo đảo giữa hai bờ hư thực/ Nghe giọng bất tài vỗ ngực ta đây!...” (Tâm sự gửi Thầy giáo Hiến). - Nhân nhắc đến thầy giáo Hiến, nhắc đến “áo vải cờ đào” bạn đọc không thể nào không muốn nhớ và nhắc lại bài thơ lấy cảm hứng từ vua Quang Trung khá hay của Trần Viết Dũng, được nhiều người thích, thuộc và truyền tụng: -“Xưa Hoàng đế để râu con kiến/ Rất thời trang và rất phong trần/ Nên chi con gái Thăng Long ấy/ Cứ phập phồng ngực Công chúa Ngọc Hân!” (Vua và em). (Nhắc thoáng khổ thơ này để thấy thêm một nét đẹp, hay, tài hoa phóng bút của người thơ đã tắm đẫm hồn mình nơi miền đất ấy).

Ngoài những băn khoăn day dứt về thi ca và thế sự nhân tình thì tình yêu cũng là một mảng đề tài ghi dấu ấn đậm nét trong tập thơ. Tình yêu trong thơ Trần Viết Dũng thường là những hoài niệm tiếc thương về những mối tình đã trở thành dĩ vãng xa xăm, và vì thế tất cả đều trở thành một nét đẹp ngậm ngùi, mỏng manh, phiêu lãng: -“Bắt đầu bàn tay nâng trái cấm/ Loài người từ đó biết khổ đau/… Ngõ hạnh tôi em bắt đầu bước lại/ Cây đau thương cũng từ đó… bắt đầu!” (Bắt đầu); -“Từ em con sáo sang sông/ Nay tôi về lại Phú Phong đợi đò/ Dò sông dò bể dễ dò/ Câu ca dao cứ vòng vo trong lòng/… Dò sông dò bể dễ dò/ Nay tôi về lại đợi đò Phú Phong/ Một mình giữa ngã ba sông/ Dù xa mặt chẳng cách lòng, người ơi” (Đợi đò); -“Cầu Đôi này anh từng chở em qua/ Ai khéo đặt tên nghe buồn cười thế/ Khi những kẻ yêu nhau hoài hoài đơn lẻ/ Nước vẫn xanh cúi xuống chỉ riêng mình!/… Con đường này ôm lấy bùng binh/ Đường một chiều làm sao quay lại/ Đâu còn thuở mười lăm mười bảy/ Ngược vòng xe liều lĩnh đi tìm” (Đêm trở lại Qui Nhơn); -“Ta như một tấm vải thưa/ Em con mắt thánh có lừa được đâu!/ Niềm mong ước đã xanh râu/ Lòng ta hợp phố mà châu xa lìa” (Ca dao Bình Định ở Kon Tum); -“Em còn đâu nữa/ Em còn nữa đâu!” (Dáng thánh)… Xa vắng những mối tình khiến lòng người khao khát: -“Có những lúc anh dường như vỡ mộng/ Về ngồi im hoá thạch giữa rừng cao/ Em đâu biết lửa trong lòng đá nóng/ Thèm khát bàn tay ai đó chạm vào” (Đá xanh)… Đôi khi khao khát một cách liều lĩnh, không tưởng (mà… đáng yêu sao): -“Nếu ngày mai tận thế/ Có kịp về không em/ Chúng mình cùng nhắm mắt/ Dưới bóng tối dịu êm!” (Tưởng tượng ngày tận thế). Và cuối cùng là tiếng thở than dài như một lời khấn nguyện của kẻ cô đơn: -“Nếu vắng bé làm sao anh sống nổi/ Dưới trần gian vốn đã chẳng vui này!” (Về lại vùng tuổi nhỏ).

Một con người đằm thắm như thế, tài thơ dào dạt như thế, lẽ nào “chỉ có hồn thơ còn sót lại ít nhiều” vậy thôi sao? Mong sao “thơ bỗng về hoà giải thiệt hơn” để bạn đọc còn có dịp đón nhận thêm những tác phẩm khác, đừng để “lạc vần tôi từ dạo ấy đến giờ” nữa, Trần Viết Dũng nhé!

Tạ Văn Sỹ

(Kon Tum, 03-2008)

TRẦN VIẾT DŨNG VNWEBLOGS.COM =>

Về trang VHNT=>

Copyright © 2008 Đoàn thanh Thủy

Email:doanthanhthuyqn@gmail.com